Wednesday, 24 November 2010

Huân chương

Sau bài phỏng vấn chớp nhoáng, ông nhờ chụp ảnh cho các loại huân chương của ông, nên bài này xem như bổ sung cho phần interview lần trước.
Nghệ sĩ Ưu tú
Một trong những huy hiệu rất ưng ý của mình nè - Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày ;))
Huy hiệu Vì sự nghiệp khuyến học - Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng (xa xa là 40 năm, 30 năm...)
Huân chương độc lập nghe Ông nói là quý nhất trong hội này







Vì sự nghiệp Tư tưởng-Văn hóa
Vì sự nghiệp Văn hóa-Nghệ thuật
Anh hùng LLVTND (lực lượng vũ trang nhân dân)

Cựu  chiến binh VN - Thanh niên xung phong
Thiệt là quá khứ oai hùng oanh liệt của ông được ghi nhận đầy đủ phong phú quá chừng. Và toàn cảnh đây:
Ông vô cùng trân trọng treo lên cái áo thun của cháu gái nhá!

Saturday, 6 November 2010

Ông bà

Nhớ lúc xưa mỗi khi tham gia văn nghệ, lớp mình lúc nào cũng có đủ ca hát – kịch nghệ. Các diễn viên nghiệp dư mười một, mười hai tuổi kéo đến nhà Hồng Anh tập vì kịch bản là do ông ngoại viết, nên phải đến nhà để được ông “đạo diễn”. Còn nhớ Trung Hiếu trong vai chính đứng khoanh tay ngoan ngoãn, mặt mũi tái mét đứng trước mặt ông từng lời thoại một. Mấy đứa khác thì chạy lăng xăng.
Sao ông lại mê văn nghệ dữ vậy?
Tại hồi nhỏ gần nhà ông (Quảng Ngãi) có cái rạp hát Trương Quang Luyến, thuộc một dòng họ quý tộc ở Mỹ Khê hồi trước nổi tiếng lắm đó, thường hay tổ chức diễn hát bội, rồi kịch… Ông mê lắm, tìm mọi cách để xem trọn mấy vở đó.
Rồi sao ông vô xem?
Đâu có tiền đâu mua vé con. Nhà nghèo lắm. Ông xin gánh hát cho chân đánh trống. Trước mỗi đêm diễn thường rạp hát cần người đánh trống rồi rao to lên để kêu gọi khán giả đến xem. Đánh trống xong thì phải mang trống vào rạp cất, thế là ở lại coi luôn. Mà cái chân đánh trống đó nhiều đứa giành giật nhau lắm, nên có khi cũng không đến lượt mình. Hay là ông núp trong rạp hát từ sớm. Trong rạp hát có nhiều chỗ núp lắm, không bị bắt bao giờ.
(Suy nghĩ) À, bởi vậy cũng có khi ông vẽ giả vé để vào xem.
Trời, sao vẽ được ông? Bộ vé dễ giả lắm hả?
Dễ lắm. Hồi nhỏ ông có khiếu vẽ, ông còn vẽ giả cả con dấu luôn mà.

Đúng là ông có khiếu vẽ. Trong nhà không thiếu tranh ông tự họa, vẽ hoa cỏ, cắt dán, ép lá, …thành tranh. Lúc bé mấy chị em còn được ông làm mặt nạ hình con sói, con thỏ bằng giấy bồi. Đến giờ mình vẫn còn nhớ mùi chua ngai ngái của giấy bồi tô hồ.

Xong rồi ông được người ta cho diễn trong rạp hả?
Đâu có. Rồi ông tham gia Phong trào hướng đạo sinh Đông Dương. Ở cạnh nhà có một cô đốc học, thấy ông  có năng khiếu tổ chức, thích chơi với thiếu nhi, nhưng nhà nghèo quá trời. Mà hồi đó muốn tham gia hướng đạo sinh thì phải có tiền mua bộ đồng phục. Vậy là cô đó ửng hộ cho bộ quần áo, khăn choàng, rồi giới thiệu ông vô đội hướng đạo.
Từ hồi đó đã có phong trào hướng đạo sinh rồi hả ông? Mà ai tổ chức hay vậy?
Thời đó Pháp thuộc, hội thanh niên tự tổ chức. Phong trào đó hay lắm, dạy cho các em bé về cách sống, đạo đức, làm việc thiện. Ông vô được làm bầy trưởng, phụ trách đội Sói con. Đi cắm trại xa nhà mấy ngày, ban đêm có đốt lửa trại, thi diễn kịch giữa các đội thiếu nhi, đội của ông thường được giải lắm. Từ cấp địa phương cho đến cấp tỉnh luôn.

Đoạn này ông kể hào hứng, kể đi kể lại nhiều lần. Có lẽ đó là những ký ức vui tô đậm thời thanh niên mới lớn của ông.

Ông ngoại tự viết kịch bản rồi đạo diễn luôn hả?
Ừ, rồi diễn luôn chứ. Ông với các bạn lấy 2 nhân vật trong truyện hài trên báo Phong Hóa (Phong tục – Văn hóa) thời đó để tạo tành một vở kịch hài để diễn, mọi người ủng hộ tán thưởng quá trời! Rồi đoạt giải. Rồi phong trào hướng đạo có giao lưu giữa các tỉnh, đội ông lại diễn kịch, lại đoạt giải.
Sau đó ông đi cách mạng luôn hả?
 Vô hướng đạo ông đã làm cách mạng mà không nói ra. Nhưng rồi học xong ông làm việc văn phòng. Làm thư ký cho mấy công ty cần người vì ông có học tiếng Pháp. Được một thời gian thì vào Nam để tìm công ăn việc làm khác, tìm kế sinh nhai.
À, vậy là ông vào Phan Thiết ?
Ừ, hồi đó có phong trào mọi người Nam tiến hết để tìm việc tốt hơn nên ông từ Quảng Ngãi vào Phan Thiết – tỉnh Bình Thuận đó. Làm thư ký cho ngân hàng Nông Phú.
Ủa, sao con nhớ bà kể ông quen bà hồi ông thu tiền chỗ ở chợ Phan Thiết mà?
Ừ vì mấy người thầu chợ không biết tiếng Pháp, tuyển chọn người làm để bảo đảm việc thu thuế chợ. Nên ông còn làm Chef chợ, quản lý sổ sách. Chiều tối mấy người đi thu thuế chỗ đem nộp lại cho ông.
Rồi sao ông biết bà?
(suy nghĩ lâu, lắc đầu) Ông không nhớ được. Chỉ biết bà Lựu bán trầu cau. Hồi đó nhà bà nghèo, nên chỉ bán trầu cau thôi. Mà bà hiền lắm, nhà nghèo, xinh gái.

Khi mình định hỏi thêm về bà, thường câu chuyện lại vẫn đi theo hướng khác của ông.

Vậy rồi hồi đó, có lần bà kể ông ngoại bị địch bắt đó,  lúc đó ông có nhớ là đã có mấy người con rồi không?
Ông theo kháng chiến, vào làm cách mạng, không ở thị xã nữa mà vào chiến khu Rô. Bà ngoại ở lại thị xã. Rồi ông bị bắt vô tù ở Phan Thiết.
Xong làm sao ông ra được?
Có ông Blanc, quan chức người Pháp, bạn ông bảo lãnh cho ra. Tay này bắn súng giỏi lắm. Mà hồi đó ông bắn thú rừng rất giỏi. Khi còn làm Chef chợ, tay này hay nhờ ông đi săn bắn chung, đi bắn nai, bò rừng, voi để lấy sừng. Ông biết rành bầy thú ra sao, hay ăn ở khu nào, ở đâu thì có thú lớn bao nhiêu để săn theo nhu cầu người đặt ngà voi lớn nhỏ. Cho nên tay Blanc này quý ông lắm. Bảo lãnh cho ra để đi săn tiếp.
Hồi đó không cấm săn thú rừng hả ông?
Chưa bị cấm. Mà phải quen thân với quan chức Pháp mới sắm được súng săn. Công chức được cấp súng nhỏ 12, 16ly. Ông thì được sắm súng 2 nòng. Bắn voi súng trường, nòng xoáy, bắn voi chết ngay. Ông bắn súng giỏi lắm, lại thạo thú rừng khu vực đó, tháng nào ăn cây gì, voi ăn măng tre, sống ở khu nào…

Rồi mình gặng hỏi thêm, tính khai thác khía cạnh tình cảm đôi lứa, mà ông không nhớ. Trong ông, con người hướng ngoại, đầy tài năng, đầy ám ảnh về cái quá khứ tung hoành ngang dọc. Ban đêm nằm ngủ, thỉnh thoảng cả nhà bật dậy vì tiếng ông la hét, hoặc rên rỉ trong mơ. Xuống đánh thức ông thì ông kể đang nằm mơ thấy đang chiến đấu với cọp trong rừng. Một con người vừa hào hoa, cao to đẹp trai, tài năng, … nếu không có Bà thực sự là một hậu phương vững chắc, hi sinh mọi thứ để nuôi con cháu, thì có lẽ đã không có cái gia đình này. Có những mảnh ký ức đã thành màu đen. Những mảnh khác vẫn sáng rực rỡ. Có những mảnh tưởng đánh mất, nhưng vẫn hiện hữu đâu đó mà ta không biết được. Tình yêu của ông với bà, có lẽ là như thế.

Mẩu đối thoại cuối cùng với bà:

Ngoại ơi, ngoại đang làm gì đó?
Nằm chơi.

In loving memory of our beloved grandma, who has passed away this morning, 07.11.2010

Monday, 1 November 2010

First failure - and a note

Định phỏng vấn bạn chồng để mở hàng cho AIAW mà coi bộ thất bại rồi. Mình đã soạn câu hỏi và email cho bạn ấy. Buổi tối ép bạn ấy trả lời. Điều kiện bạn ấy đưa ra là được miễn chơi với con trong vòng nửa tiếng thì mới làm được.
Ok, ok.
Rồi vừa chơi với còn vừa hỉ hửng đợi đọc. Bạn chồng thì hì hụi hì hụi, tủm ta tủm tỉm ngồi gõ máy tính trả lời email. Xong rồi cái ... không cho đọc. Bạn ấy ngượng ;)). Bạn ấy bảo để khi nào một mình đi thì đọc nhá. Mà bạn còn thòng 1 câu là "mình em đọc thôi, không chơi cho lên mạng đâu". Hix.
Đọc xong rồi mình cũng quyết định không publish luôn. Nó quá riêng tư và thuộc dạng "của đề dành", tức là trong khi đọc thì nước mắt rưng rưng, đọc xong rồi thì trong lòng sung sướng. Có một người để chia sẻ mọi chuyện thật là quý giá. Cho nên "thôi em giữ cho riêng em biết" :).
Ngoài ra còn có 1 lưu ý nhỏ cho em HH. Lưu ý này có thể trở thành sự cản trở, khó khăn cho cái project AIAW này luôn. Đó là, vì Interview là mẩu đối thoại giữa 2 hay nhiều người trở lên, nên để có thể đưa lên blog, cần phải có sự đồng ý của những người đó. Họ không đồng ý mà mình phát tán là coi như tiêu, sau này nhỡ đâu AIAW nổi tiếng, là phiền lắm à ;))